Liên hoan nghệ thuật Múa TP.HCM mở rộng 2020: Nơi nghệ thuật sáng tạo để thăng hoa

VHO- Liên hoan Nghệ thuật Múa TP.HCM mở rộng lần thứ 6 năm 2020 sẽ diễn ra trong hai ngày 24 và 25.11 tại Nhà hát Thực nghiệm Trường Trung cấp Múa TP.HCM. Năm nay, BTC kiểm soát chặt ngay từ khâu đăng ký ban đầu, yêu cầu các tác phẩm dự thi phải ghi đầy đủ tên tác giả phần âm nhạc, biên đạo và nếu có sử dụng âm nhạc nước ngoài thì phải đề tên rõ ràng, để đảm bảo tác quyền và tránh những “lùm xùm” đáng tiếc...

Liên hoan nghệ thuật Múa TP.HCM mở rộng 2020: Nơi nghệ thuật sáng tạo để thăng hoa - Anh 1

 Tiết mục “Đuổi tà” của nghệ sĩ Sùng A Lùng tham gia Liên hoan Nghệ thuật Múa TP.HCM mở rộng lần 5

Sự kiện đã thu hút 19 đơn vị nghệ thuật và 14 cá nhân đăng ký tham gia với 55 tác phẩm đủ các thể loại như: Múa dân gian, múa cổ điển, múa hiện đại... Ngoài các đơn vị công lập tại TP.HCM như Nhà hát Giao hưởng, Nhạc, Vũ kịch TP.HCM, Trường Trung cấp Múa TP.HCM, Đoàn Văn công Quân khu 7, Liên hoan còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ múa đến từ nhiều địa phương như Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng (Khánh Hòa), Trường Năng khiếu nghệ thuật và TDTT Vĩnh Long, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, Phân hội múa tỉnh An Giang…

Tổ chức gấp rút nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng

“Sân chơi” nghệ thuật truyền thống này được tổ chức hai năm một lần, đến nay, sau 5 lần tổ chức thành công, Liên hoan đã trở thành một thương hiệu uy tín của Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM. Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TP.HCM Lê Nguyên Hiều cho biết, "Liên hoan Nghệ thuật Múa TP.HCM mở rộng lần 6 đáng lẽ diễn ra vào cuối năm 2019 nhưng vì một số lý do nên chưa thể tổ chức. Năm nay, đợi đến khi dịch Covid-19 tạm lắng xuống, chúng tôi mới gấp rút triển khai. Dù chỉ có 1 tháng phát động nhưng Liên hoan đã nhận được 55 tiết mục đăng ký tham gia, trong khi mọi năm chỉ khoảng trên dưới 40 tác phẩm”. Theo NSND Hà Thế Dũng, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Liên hoan, dù thời gian gấp rút nhưng BTC vẫn đưa ra những yêu cầu nhất định để đảm bảo chất lượng các tiết mục dự thi.

Mục tiêu và tiêu chí lớn nhất của Liên hoan đặt ra ngay từ đầu là tạo mọi điều kiện để các nghệ sĩ có được sự thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật ở cả sáng tác, biên đạo và biểu diễn. “Sự sáng tạo luôn làm cho mỗi kỳ Liên hoan thêm sôi động, đa dạng, tạo điều kiện cho nghệ sĩ giao lưu nghề nghiệp, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng trong nghề múa. Chính vì vậy, mỗi kỳ Liên hoan luôn xuất hiện nhiều tác phẩm có những ý tưởng mới mẻ khiến không chỉ khán giả đến xem cảm thấy thích thú, mà đồng nghiệp trong nghề cũng thêm hưng phấn và đánh giá cao”, ông Lê Nguyên Hiều chia sẻ.

Theo quy định, tác phẩm dự thi có thời lượng từ 5-10 phút và không hạn chế đề tài, hình thức, thể loại cũng như chất liệu ngôn ngữ múa. Yêu cầu tác phẩm dự thi có chủ đề tư tưởng rõ ràng; nội dung được hướng đến là sự phản ảnh chân thực, sâu sắc, sinh động cuộc sống nhiều màu sắc của xã hội và con người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai; đề cao cái đẹp và giá trị nhân văn. BTC cũng khuyến khích các đơn vị sáng tạo những tác phẩm múa chủ đề về TP.HCM, biên cương, hải đảo và hưởng ứng Cuộc vận động học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Hội đồng nghệ thuật chấm giải dựa vào kết cấu bài múa gồm ngôn ngữ múa, hình thức bố cục sân khấu, giai điệu tiết tấu của âm nhạc, nghệ thuật tạo hình và trang phục của nghệ sĩ biểu diễn…

Liên hoan nghệ thuật Múa TP.HCM mở rộng 2020: Nơi nghệ thuật sáng tạo để thăng hoa - Anh 2

 Tác phẩm “Hạt vàng” của Biên đạo Huỳnh Hồng Diễm trong Liên hoan Nghệ thuật Múa TP.HCM mở rộng lần thứ 5 năm 2017

BTC theo sát tiết mục dự thi từ khâu đăng ký ban đầu

Năm nay, Ban giám khảo của Liên hoan gồm NSND Hà Thế Dũng, NSND Tô Nguyệt Nga và các biên đạo Ngô Thanh Phương, Nguyễn Vĩnh Hiển, Dương Văn Thảo. Như mọi năm, Liên hoan vẫn giữ quy định các thành viên thuộc Hội đồng giám khảo là cố vấn nghệ thuật hoặc tham gia vào bất kỳ khâu nào của tác phẩm dự thi cũng không được chấm điểm. Về yêu cầu đối với tác phẩm dự thi, BTC khuyến khích sử dụng âm nhạc trong nước, nhất là âm nhạc các vùng, miền thay vì sử dụng âm nhạc nước ngoài.

Trao đổi với Văn Hóa về chuyện xét duyệt những tiết mục tham gia tranh giải tại Liên hoan, NSND Hà Thế Dũng khẳng định, BTC luôn đọc kỹ thông tin các đơn vị, cá nhân đăng ký dự thi để xem xét bước đầu về nội dung ý tưởng. Ngoài ra, trong lúc các thí sinh tập duyệt sân khấu, thành viên của BTC sẽ có mặt để theo dõi, kiểm tra, nếu phát hiện tiết mục nào sử dụng âm nhạc có ca từ không phù hợp, hình ảnh, chủ đề trái thuần phong mỹ tục sẽ lập tức cho dừng ngay. “Chúng tôi kiểm soát chặt từ khâu đăng ký, yêu cầu các tác phẩm dự thi phải ghi đầy đủ tên tác giả phần âm nhạc, biên đạo, nếu có sử dụng âm nhạc của nước ngoài thì phải đề tên rõ ràng, để đảm bảo tác quyền”, NSND Hà Thế Dũng nhấn mạnh và cho biết BTC đã có cuộc gặp gỡ để trao đổi với các đơn vị và cá nhân dự thi. Qua nhận định ban đầu thì các tác phẩm đều đảm bảo các tiêu chí theo quy định nhưng vẫn phải hết sức cẩn trọng, để nếu có vấn đề gì thì điều chỉnh ngay trước khi biểu diễn trên sân khấu. Còn về ý tưởng và nội dung cũng có bộ phận trong BTC theo dõi để phòng tránh những sự cố. “Trong các kỳ Liên hoan trước chưa xảy ra sự cố nào vi phạm, tôi nhận thấy các tác giả trẻ hiện nay không chỉ có những ý tưởng hay mà các bạn cũng rất tự trọng, có ý thức tôn trọng bản quyền, tuy nhiên, cẩn thận là điều chúng tôi đặt lên trên hết”, ông Dũng chia sẻ.

Sau 5 lần tổ chức thành công (vào các năm 2007, 2009, 2011, 2013 và 2017), mỗi kỳ Liên hoan luôn thu hút sự quan tâm theo dõi và đăng ký tham gia của nhiều đơn vị nghệ thuật công lập và ngoài công lập. Với ý nghĩa để Liên hoan ngày càng mở rộng, nâng cao chất lượng, BTC mong muốn đây sẽ là một sân chơi nghệ thuật hấp dẫn, độc đáo, giúp những người trẻ đang làm nghề có dịp trao đổi, giao lưu, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, phát huy tư duy sáng tạo và tài năng cá nhân, nâng cao chất lượng sáng tác, biểu diễn nghệ thuật và tiếp cận dần với quy chuẩn các cuộc Liên hoan múa khu vực và quốc tế trong tương lai.

Cũng thông qua Liên hoan, các nhà quản lý nghệ thuật lại có dịp nhìn lại và đánh giá thực trạng lực lượng biên đạo, diễn viên múa, từ đó có các giải pháp hữu hiệu hơn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, định hướng phát triển nghệ thuật múa trong tương lai, qua đó, góp phần gìn giữ, quảng bá các giá trị nghệ thuật đặc sắc của nghệ thuật múa trong đời sống văn hóa nghệ thuật.

Lễ tổng kết và trao giải tổ chức vào tối 26.11 tại Nhà hát Thành phố. 

 THÙY TRANG; ảnh: HOÀNG TRUNG THỦY

Ý kiến bạn đọc